Cách Phối Màu và Thương Hiệu
Cách Phối Màu và Thương Hiệu
Các nghiên cứu cho thấy rằng 85% các khách hàng mua sản phẩm là do những động lực thúc đẩy nhất thời. Chính vì thế mà vấn đề thiết kế màu sắc được các nhà sản xuất ngày càng coi trọng hơn. Theo một chuyên gia tư vấn về phối màu – Alain Chrisment: “Màu sắc chính là thông điệp đầu tiên của sản phẩm hướng đến người tiêu dùng và người tiêu dùng cũng sẽ cảm nhận được điều này ngay lập tức”.
Tuy nhiên, tầm quan trọng và ý nghĩa thực sự của màu sắc thương hiệu không đơn giản như vậy. Tại sao thương hiệu Coca mang màu đỏ ? Thương hiệu UPS lại có màu nâu ? Còn IBM là màu xanh da trời ? Những ông chủ của những thương hiệu lớn này, hơn ai hết, là những người hiểu rõ nhất việc chọn lựa màu sắc thương hiệu không phải là một quyết định ngẫu hứng.
Ngoài ý nghĩa là yếu tố tác động lên mặt xúc cảm và trong đó thị giác là quan trọng nhất, màu sắc còn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc khơi gợi trí nhớ của người tiêu dùng đối với thương hiệu. Nó kích thích tất cả những cơ quan cảm xúc và truyền đạt một cách nhanh nhanh nhất thông điệp mà nhà sản xuất muốn gửi đến khách hàng, đồng thời giúp việc gợi lại tính chất và hình ảnh của sản phẩm được dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào khía cạnh tâm lý của màu sắc, thì đây lại là một vấn đề khá phức tạp. Tùy theo văn hóa, xứ sở và các ngành công nghiệp khác nhau mà màu sắc có những giá trị biểu đạt khác nhau. Trong khi người Anh thích màu xanh non của rau cải thì người Pháp cho đó là màu của sự giả tạo. Một chiếc máy hút bụi tím sẽ dễ dàng được chấp nhận tại Anh, nhưng tại Ý, đó là màu của tang tóc. Vì thế, để sản phẩm được chấp nhận tại thị trường nước ngoài, nhà sản xuất đôi khi phải thay đổi màu sắc thương hiệu trên cùng một loại sản phẩm.
Không mang tính tuyệt đối, song trong một cuộc nghiên cứu tại Mỹ gần đây, các chuyên gia về phối màu đã đưa ra những gợi ý về ý nghĩa phổ biến nhất của màu sắc trong kinh doanh như sau:
Màu xanh da trời
Có thể được xem như màu của niềm tin, sự tin cậy và an toàn, được đảm bảo về tài chính. Đây là màu của bầu trời và biển cả nên nó rất được nhiều người ưa chuộng vì sự trong sáng và mát mẻ. Màu xanh da trời thường được lựa chọn làm màu chủ đạo khi thể hiện logo, biểu tượng hay thương hiệu sản phẩm của các cơ quan tài chính vì thông điệp mà nó mang đến cho khách hàng là sự ổn định và tin tưởng.
Pepsi là một trường hợp đặc biệt khi không ngần ngại sơn vỏ hộp cũng như để thương hiệu của mình mang màu xanh da trời, mặc dù màu này rất ít được các nhà sản xuất hàng tiêu dùng lựa chọn. Giám đốc bán hàng và tiếp thị quốc tế của hãng Pepsi, ông John Swanhaus – người đã có quyết định lựa chọn này đã giải thích: “Màu xanh mà chúng tôi đã chọn là một màu hiện đại và bình yên”.
Màu đỏ
Đây là màu sắc tác động trực tiếp lên tuyến yên của bạn, làm tăng nhịp đập của con tim và là nguyên nhân khiến bạn thở nhanh hơn. Nó còn được gọi là màu của chiến tranh và quyền lực. Chính vì vậy mà nó thường được ưu tiên dành cho các nhãn hiệu hàng hóa cao cấp và xe hơi thể thao. Giám đốc điều hành hãng Renault khẳng định “dùng màu đỏ sẽ giúp các đường thẳng và các góc cạnh của chiếc xe được bộc lộ rõ nét hơn, do đó chiếc xe sẽ mang dáng thể thao và mạnh mẽ hơn khi lăn bánh”.
Và đây cũng là màu thu hút sự chú ý của mọi người nhiều nhất, thể hiện sự năng động, tràn đầy năng lượng và tạo ra cảm giác khêu gợi, kích thích trí tò mò. Nó cũng gợi nên sự đam mê, tình yêu và lòng ham muốn, mà không một màu sắc nào khác có thể làm được điều này. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng khiến nhiều nhà sản xuất phải cân nhắc khi quyết định lựa chọn màu này cho thương hiệu của mình, vì nó cũng là “tín hiệu” của sự nguy hiểm và tình trạng nợ nần.
Màu xanh lá cây
Một thời gian dài trong quá khứ, màu xanh lá cây hầu như trở nên “cấm kỵ” vì là màu của ma quỷ vào thời Trung Cổ. Nhưng ngày nay, quan niệm lỗi thời đó đã không còn nữa, xanh lá cây trở nên rất thông dụng đối với các sản phẩm tiêu dùng.
Màu xanh lá cây được coi là màu của mùa xuân, của sự đổi mới và sức khoẻ. Nó cũng mang lại những cảm giác yên ả và thanh bình. Tuy nhiên, ý nghĩa của màu sắc sẽ lập tức thay đổi nếu như có một chút biến đổi về sắc thái trong màu xanh lá cây. Mầu xanh lá cây đậm thường liên quan đến của cải và sự giàu có, thanh danh và uy tín. Trong khi đó, màu xanh lá cây nhạt thể hiện sự điềm tĩnh, êm đềm.
Mặc dù được nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng lựa chọn, nhưng màu xanh lá cây đặc biệt không thích hợp với các sản phẩm nội thất. Trong trường hợp này, nó trở nên rất phản cảm với khách hàng.
Màu vàng
Trong đời sống xã hội, màu vàng thường được liên tưởng đến ánh nắng chói chang của mặt trời. Vì vậy, thông điệp mà nó đưa ra là chủ nghĩa lạc quan, tích cực, là ánh sáng và sự ấm áp. Mọi sắc thái khác nhau của màu vàng đều là động lực kích thích óc sáng tạo và mở ra những năng lực tiềm ẩn của con người. Thông thường, đôi mắt sẽ nhận ra màu vàng tươi trước các màu sắc khác, vì vậy, nếu bạn muốn sản phẩm của mình “đập” ngay vào mắt của khách hàng, hãy chọn màu vàng.
Màu đỏ tía
Đỏ tía là màu thích hợp nhất cho các dạng sáng tạo. Với sự pha trộn giữa sự đam mê của màu đỏ và sự êm ả của màu xanh da trời, ý nghĩa biểu đạt của nó mang một chút gì đó vừa huyền bí, vừa tinh tế, vừa có tính chất tâm linh, đồng thời lại thể hiện sự trung thành. Đây là màu của hoa oải hương, mà như bạn đã biết đấy, hoa oải hương thể hiện sự luyến tiếc và tính đa cảm.
Màu hồng
Thông điệp mà màu hồng đưa ra phụ thuộc vào độ đậm nhạt của màu sắc. Màu hồng đậm thể hiện năng lượng, sự trẻ trung, hóm hỉnh và kích động. Nó được xem như rất thích hợp với những sản phẩm không đắt tiền lắm và thuộc về thế giới thời trang của giới trẻ. Trong khi đó sự xuất hiện của màu hồng nhạt khiến người ta liên tưởng tới sự ủy mị, đa cảm. Còn màu hồng phớt lại là biểu tưởng của sự lãng mạn.
Màu da cam
Đây là màu của sự vui vẻ, cởi mở, hài hước và tràn đầy sinh lực. Màu đỏ pha trộn với sự trẻ trung và sức sống của màu vàng, màu cam được xem như màu của tính tập thể và rất hợp với thế giới trẻ thơ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự xuất hiện của gam màu cam nhẹ hơn sẽ có tác dụng lôi cuốn và mở rộng quy mô thị trường. Màu này đặc biệt thích hợp với các trung tâm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và các nhà hàng.
Màu nâu
Không ngẫu nhiên mà màu nâu được coi là màu của thành công. Đây là màu của trái đất, vì vậy những thông điệp mà nó truyền tải đến khách hàng và tính đơn giản, lâu bền và sự ổn định. Tuy nhiên, tác dụng phản cảm mà nó gợi nên đối với khách hàng, đặc biệt là những người có thói quen và ưa chuộng sự ngăn nắp, sạch sẽ, đó là dễ làm cho họ liên tưởng đến màu của sự dơ bẩn.
Tuy nhiên, các gam màu nâu khác nhau cũng biểu đạt những ý tưởng và có ý nghĩa khác nhau. Màu nâu đỏ thường tạo ra cảm giác phóng to tầm nhìn lên. Vì tác dụng này mà màu nâu thường có xu hướng được sử dụng để che dấu sự lộn xộn và thiếu sạch sẽ. Nó chính là sự lựa chọn hợp lý của các hãng công nghiệp và vận chuyển bằng xe tải.
Màu đen
Đây là gam màu sắc cổ điển, vừa thể hiện sự trang trọng, vừa thể hiện quyền lực. Ngoài ra nó còn là màu của sự tinh tế và huyền bí. Ngày nay, nó hay được sử dụng trong những sản phẩm xa xỉ, đắt tiền và có giá trị. Màu đen còn giúp bộc lộ ra cảm giác trang trọng nên cũng hay được dùng trong các dòng sản phẩm công nghệ cao.
Bên cạnh đó thì nhược điểm cơ bản nhất của màu đen là nó khiến cho sản phẩm trông nặng nề hơn.
Màu trắng
Đây là màu gợi nên sự đơn giản, sạch sẽ và thanh khiết. Màu trắng như là màu của sự sáng chói, vì nó ngay lập tức được thu nhận vào tầm mắt của con người. Đối lập với màu đen, màu trắng sẽ cho cảm giác sản phẩm trông có vẻ nhẹ hơn. Màu trắng rất thích hợp đối với các thương hiệu và sản phẩm của trẻ thơ và liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, màu trắng cũng có những ý nghĩa trái ngược nhau. Đặc biệt, với người châu Á, đây là màu của tang tóc.
Tất cả các màu sắc nói trên đều có thể được phân loại thành hai gam màu cơ bản: gam màu nóng và gam màu lạnh. Nói chung, các màu được xếp vào gam màu ấm như đỏ, vàng thường phát ra những thông điệp về chính bản thân nhà sản xuất, đó là sinh lực và năng lượng dồi dào. Trong khi các màu sắc được xếp vào gam lạnh, như màu xanh da trời lại thể hiện sự bình yên và hướng tới sự phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, việc làm sáng hơn các gam màu lạnh sẽ làm tăng sự tác động lên cảm xúc của người tiêu dùng, nhưng đồng thời lại làm giảm đi thông điệp mà nó hướng tới là phục vụ khách hàng.